Quảng Nam triển khai Phong trào “Bình dân học vụ số” trên địa bàn toàn tỉnh

Ngày 17/4/2025, Ban Chỉ đạo Phát triển Khoa học, Công nghệ, Đổi mới sáng tạo và Chuyển đổi số tỉnh Quảng Nam (Ban Chỉ đạo) đã ban hành Kế hoạch triển khai Phong trào “Bình dân học vụ số” trên địa bàn toàn tỉnh.

z6473625507330_7ac48fdeb017283449ae0adbfe6e976d.jpg

Ban chỉ đạo phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số tỉnh họp phiên thứ 2.

Đây là một phong trào lớn mang tính toàn dân, hướng tới mục tiêu phổ cập kiến thức và kỹ năng số cho mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là các nhóm yếu thế, vùng sâu, vùng xa, góp phần hiện thực hóa khát vọng chuyển đổi số quốc gia một cách toàn diện, bền vững và không để ai bị bỏ lại phía sau.

Theo kế hoạch, tỉnh đặt ra nhiều chỉ tiêu cụ thể cần đạt được trong năm 2025 và các năm tiếp theo. Trong đó, 80% cán bộ, công chức, viên chức và người lao động khu vực công được yêu cầu có nhận thức đúng và kỹ năng cơ bản về chuyển đổi số, có khả năng sử dụng nền tảng và dịch vụ số phục vụ công việc. 100% học sinh trung học phổ thông và sinh viên phải được trang bị kiến thức, kỹ năng số để phục vụ học tập, nghiên cứu, sáng tạo và đảm bảo an toàn trong môi trường số.

Đối với cộng đồng dân cư, phấn đấu đến cuối năm 2025 có 80% người dân trong độ tuổi trưởng thành nắm được tri thức cơ bản về chuyển đổi số, biết sử dụng thiết bị thông minh để truy cập thông tin và các dịch vụ thiết yếu, trong đó 50% người dân được xác nhận đã hoàn thành phổ cập kỹ năng số trên nền tảng định danh VNeID.

Đồng thời, 80% người lao động trong các doanh nghiệp, hợp tác xã và liên minh hợp tác xã có kiến thức về công nghệ số, sử dụng thành thạo thiết bị thông minh để phục vụ sản xuất, kinh doanh, từ đó nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh.

Để hiện thực hóa các chỉ tiêu này, phong trào “Bình dân học vụ số” sẽ triển khai một loạt nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp đồng bộ. Trước hết, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số sẽ được thực hiện sâu rộng trên các phương tiện truyền thông, nền tảng số, mạng xã hội, cổng thông tin điện tử của các cơ quan Đảng, chính quyền, cũng như tổ chức nhiều tọa đàm, hội thảo, ngày hội học tập số, đặc biệt là ngày 10/10 hằng năm – được chọn làm “Ngày chuyển đổi số quốc gia”.

Song song đó, tỉnh sẽ đẩy mạnh tổ chức các lớp học cộng đồng, các khóa đào tạo trực tuyến miễn phí trên nền tảng MOOCs “Bình dân học vụ số” và các nền tảng học tập khác do Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai. Các nhóm đối tượng được chia theo đặc thù riêng để có phương pháp tiếp cận phù hợp, gồm cán bộ công chức, học sinh sinh viên, người lao động trong doanh nghiệp, người dân, người cao tuổi, người khuyết tật, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa…

Các mô hình lan tỏa kiến thức, kỹ năng số sẽ được nhân rộng như: “Đại sứ số” – mỗi người hướng dẫn ít nhất 5 người khác; “Gia đình số” – mỗi gia đình có ít nhất một người sử dụng thành thạo nền tảng số; “Chợ số – Nông thôn số” – hỗ trợ tiểu thương, nông dân ứng dụng thương mại điện tử và thanh toán không dùng tiền mặt; “Mỗi công dân – Một danh tính số” – đảm bảo toàn dân từ 16 tuổi có tài khoản định danh số và biết sử dụng; cùng các tổ công nghệ số cộng đồng hoạt động theo phương châm “từng ngõ, gõ từng nhà, chỉ từng người”.

Về giải pháp, tỉnh sẽ huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các sở, ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương, doanh nghiệp công nghệ số, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức nghề nghiệp và cả người dân.

Kinh phí thực hiện phong trào sẽ được lồng ghép trong các chương trình, đề án đã được phê duyệt, kết hợp nguồn ngân sách nhà nước với xã hội hóa từ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

Đặc biệt, các hoạt động đào tạo, tập huấn sẽ được tích hợp với chương trình giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và bồi dưỡng nghiệp vụ hiện có. Đồng thời, các cơ sở giáo dục, doanh nghiệp công nghệ, tình nguyện viên số sẽ tham gia hỗ trợ, hướng dẫn trực tiếp cho người dân tại địa phương.

Phong trào “Bình dân học vụ số” không chỉ dừng lại ở việc truyền đạt kỹ năng mà còn hướng tới thay đổi nhận thức, tạo thói quen ứng dụng công nghệ trong học tập, lao động, sinh hoạt và quản lý, hình thành một xã hội số toàn diện. Với quyết tâm cao, sự vào cuộc đồng bộ, phong trào hứa hẹn sẽ là bước tiến mạnh mẽ giúp Quảng Nam xây dựng công dân số, chính quyền số và xã hội số hiện đại, văn minh, không để ai đứng ngoài tiến trình phát triển.

Theo Cổng TTĐT tỉnh Quảng Nam